Cách xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo đạt hiệu quả kinh tế cao

Cách xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo đạt hiệu quả kinh tế cao
Ngày đăng: 04/08/2023 08:43 AM

    Cá rô đầu nhím mang nhiều ưu điểm vượt trội của con lai, là loại cá dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy mà việc nuôi cá rô đầu nhím mang đến hiệu quả kinh tế cao cho nhiều bà con nông dân. Mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo hiện nay được phát triển rộng rãi khắp nơi. Bài viết hôm nay, Kênh nông nghiệp tổng hợp sẽ hướng dẫn bà con cách xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo nhanh lớn, mang đến lợi nhuận cao. 

    1. Thiết kế vèo nuôi cá rô đầu nhím 
    Thông thường, làm ao nuôi cá rô đầu nhím, nhiều bà con đã dùng ao đất để cắm cọc làm vèo nuôi cá. Ao nuôi cá cần phải đảm bảo chất lượng nước tốt. Nước ao nuôi nên có độ pH đạt từ 5 - 8. Nước trong ao nuôi đảm bảo sạch, không có mùi quá nặng.

    Chuẩn bị vèo lưới làm ao nuôi 

    Căn cứ vào số lượng cá rô đầu nhím mà bà con dự định sẽ nuôi mà có diện tích thiết kế ao nuôi phù hợp. Vèo nuôi cần đảm bảo mật độ nuôi 200 con/ 1m2, độ sâu khoảng cách từ đáy lưới đến mặt nước tối thiểu là 1,5 mét, chiều cao lưới khi may đạt từ 2,5 mét Mắt lưới bao xung quanh khoảng 3mm, bên dưới đáy 5mm. 

    Lưới làm vèo ao nuôi hiện nay có bán rộng rãi ngoài thị trường. Bà con có thể chọn mua lưới rồi tự may hoặc thuê người may. May xong thì tiến hành buộc dây bốn góc dưới và bốn gốc trên, độ dài tùy thuộc vào cọc. Nuôi cá rô đầu nhím trong vèo, bà con thiết kế ao nuôi theo hình chữ nhật hoặc hình vuông. 

    nuoi-ca-ro-dau-nhim-trong-veo-1

    Thiết kế vèo nuôi cá rô đầu nhím (Nguồn: Internet)

    Cách giăng vèo lưới ao nuôi cá rô đầu nhím

    Để giăng vèo lưới, trước hết bà con chuẩn bị các cọc giữ lưới. Với ao hồ không quá sâu, bà con có thể dùng các loại cọc tre, bạch đàn. Đối với ao nuôi có mực nước sâu, bà con không nên dùng cọc mà có thể dùng bè nổi hoặc thùng phuy. Khi cắm cọc xuống đất, bà con chú ý găm với độ sâu tối thiểu 70cm, đảm bảo khoảng cách từ mặt nước cao thêm 1,5 mét. Nếu dùng bè nổi hoặc thùng phuy, bà con lưu ý hàn sắt giữ thuỳ phuy đúng với kích thước lồng mong muốn. 

    Sau khi đã cắm cọc, bà con tiến hành giăng lưới vèo nuôi. Làm xong vèo, bà con chằn thêm đá giữ mặt đáy giúp vèo chìm sâu ổn định, tránh hiện tượng nổi mặt đáy lên. Nuôi cá rô đầu nhím trong vèo công nghiệp, bà con cần thiết kế riêng vèo ương cá giống, vèo nuôi cá thịt, vèo nuôi cá con. Vèo nuôi cá thịt, bà con chọn loại mắt lưới to hơn nhằm  đảm bảo độ thông thoáng.

    2. Cách chọn cá giống để nuôi cá rô đầu nhím trong vèo
    Cách chọn cá rô đầu nhím giống:

    Cá rô đầu nhím mang nhiều ưu điểm vượt trội của con lai nên khi chọn giống, bà con không cần quá sát sao. Mua con giống lần đầu, bà con nên tìm mua ở những trang trại nhân giống uy tín. 

    Bà con ưu tiên chọn những con giống cá rô đầu nhím có kích cỡ đều, cá khỏe, bơi nhanh và không bị dị tật. Cá giống tốt nhất nên mua loại có kích thước khoảng 150 – 200 con/kg là phù hợp. Nếu mua cá giống quá bé, cá sẽ rất khó thích nghi.

    Cách thả cá rô đầu nhím vào vèo nuôi: 

    Trước khi thả cá vào ao nuôi, bà con lưu ý cần tắm cá để loại bỏ các ký sinh trùng còn bám trên thân, giúp tăng tỉ lệ sống của cá giống. Chọn thời điểm trời dịu mát vào buổi sáng hoặc xế chiều thả cá. Tránh thả cá vào buổi trưa, thời điểm nắng nóng hoặc có mưa to tránh các bị sốc nhiệt.

    nuoi-ca-ro-dau-nhim-trong-veo-2

    Mô hình nuôi cá rô đầu nhím mang đến hiệu quả kinh tế cao (Nguồn: Internet)

    3. Cách chăm sóc cá rô đầu nhím 
    3.1 Cho cá ăn
    Nuôi cá rô đầu nhím trong vèo, bà con có thể cho cá ăn thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến. Để cá tăng trọng tốt, thức ăn cho cá phải đảm bảo duy trì lượng đạm tối thiểu là 30%. 

    Ngoài thức ăn công nghiệp, bà con có thể tự chế biến thức ăn cho cá từ bột ngô, bã đậu, cám gạo,... Trộn các nguyên liệu trên thành hỗn hợp rồi ép thành viên cho cá dễ ăn.

    Bà con cho cá ăn mỗi ngày 2 bữa. Đối với cá bé, lượng thức ăn phù hợp ở mức 3% - 5% trọng lượng thân của cá, khi cá trưởng thành thì giảm xuống 1 - 2%.

    3.2 Quản lý, chăm sóc mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo 
    Để mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo đạt hiệu quả tối ưu, bà con cần có biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi đúng cách, hợp lý. 

    Bà con nên thường xuyên thăm ao, theo dõi các hoạt động bơi lội của cá để kịp thời phát hiện ra các dấu hiệu bất thường nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. 

    Cần quản lý chặt chẽ nguồn nước ao nuôi. Tiến hành thay nước 2 tuần một lần, đảm bảo môi trường sống của cá không bị ô nhiễm bởi chất thải từ cá, thức ăn thừa,...

    Để nuôi cá rô đầu nhím trong vèo đạt hiệu quả cao, phòng ngừa bệnh thủy sản, bà con cần bón vôi và thay nước thường xuyên nhằm hạn chế dịch bệnh. Sau mỗi lần cấp nước thì bón thêm vôi. bà con có thể tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung thêm cho cá vitamin C và men tiêu hóa cho cá cách 10 ngày 1 lần. 

    Nuôi cá rô đầu nhím trong vèo được khoảng 2 - 3 tháng, cá sẽ đạt trọng lượng khoảng 5 - 7 con/kg. Thời điểm này bà con có thể thu hoạch được. Nhìn chung, cá rô đầu nhím dễ nuôi và ít bị nhiễm bệnh so với những loài cá khác. Xây dựng mô hình nuôi cá rô đầu nhím trong vèo để làm kinh tế hiện đang phát triển rộng rãi ở nhiều nơi, mang đến hiệu quả kinh tế cao cho nhiều vùng nông thôn. 

    Zalo
    Hotline